Tổ chức PublicAffairsAsia đã trao cho Đại sứ Mỹ Michael Michalak giải Tiêu chuẩn vàng cho Đóng góp Ngoại giao bởi những nỗ lực của ông trong suốt khoảng thời gian ba năm làm Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Theo PublicAffairsAsia, Đại sứ Michalak đã "thành công trong việc thúc đẩy cải cách thương mại và khuôn khổ đầu tư tại Việt Nam, nhằm góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh cởi mở và công bằng."
PublicAffairsAsia là tổ chức ghi nhận những đóng góp xuất sắc của các cá nhân tổ chức trong lĩnh vực quan hệ chính phủ và truyền thông công ty.
Ngài Đại sứ đã nhận được sự hỗ trợ toàn diện từ chương trình Hỗ trợ Thúc đẩy Thương mại thuộc Ban chỉ đạo về Hỗ trợ Kỹ thuật của Mỹ, cho việc thực hiện hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (USAID) và Dự án Nâng cao Năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI). Các chương trình này đã trở thành nguồn thông tin tham khảo về chuyên môn cho phía Việt Nam trong việc định hướng nền kinh tế, cải cách pháp lý nhằm giảm các thủ tục hành chính phiền hà trong hoạt động kinh doanh.
Đại sứ Michalak cũng dẫn đầu các nỗ lực nhằm hỗ trợ cho "Dự án 30" - một kế hoạch cải cách quan trọng của chính phủ Việt Nam nhằm từng bước giảm tệ quan liêu mà các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đang phải đối mặt, trong đó có các doanh nghiệp của Mỹ. Và theo chính phủ Việt Nam, dự án này đã giúp Việt Nam tiết kiệm được 150 triệu USD mỗi năm.
Trong năm 2009, xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam đã tăng 11%, trong khi con số này tại các hầu hết các quốc gia ASEAN đều giảm hai đơn vị. Xu hướng khả quan này vẫn đang được duy trì với việc xuất khẩu của Mỹ đã tăng hơn 18% trong tám tháng đầu năm 2010.


Một số đóng góp tiêu biểu của Đại sứ Michalak với tập đoàn đa quốc gia:
- AES Corporation: Tháng 4/2010, sau hơn bốn năm kiên trì đàm phán mà Đại sứ Michalak là người chủ trương, công ty đã ký các thỏa thuận lâu dài nhằm xây dựng và vận hành một nhà máy điện chạy bằng than độc lập tại Tỉnh Quảng Ninh.
- Lockheed Martin: Tháng 4/2010, Lockheed đã được lựa chọn làm nhà thầu cung cấp thiết bị cho Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) cùng với vệ tinh Vinasat-2, trong đó các thành phần thiết bị của Mỹ trị giá gần 150 triệu USD.
- Motorola: Sự can thiệp của ngài đại sứ Michalak đã giúp Motorola đạt được hơn 95 triệu USD trong các thỏa thuận phần cứng và phần mềm thu phát sóng (2G và 3G) với MIC - một công ty thuộc Vinaphone.
- General Electric (GE): Đại sứ Michalak đã có những đóng góp rất quan trọng trong các hoạt động kinh doanh của GE, tìm nguồn và các hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
-Chevron: Được hỗ trợ từ sự ủng hộ tích cực của ngài đại sứ, sau bảy năm đàm phán, trong tháng 7/2009, Chevron và Petrovietnam đã đạt được một thỏa thuận trị giá 4 tỉ USD, kéo dài trong 20 năm để phát triển các mỏ khí đốt ngoài bờ biển phía nam Việt Nam.
Bên cạnh đó, giáo dục cũng là một trọng điểm hàng đầu của ngài đại sứ. Một trong những mục tiêu hết sức quan trọng được đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ của ông là tăng gấp đôi lượng sinh viên Việt Nam du học tại Mỹ. Thực tế, nỗ lực cũng như năng lực lãnh đạo của ông đã giúp tăng gấp ba lần con số đó (lên 13.000 du học sinh tại Mỹ) trong hai năm đầu ông ở Hà Nội, và đặt Việt Nam vào nhóm 10 quốc
gia có sinh viên theo học tại Mỹ nhiều nhất.
Một trong những sáng kiến then chốt của ông là Hội thảo Giáo dục, nhóm họp các nhà sư phạm Việt Nam và Hoa Kỳ để cùng thảo luận chính sách cũng như cơ hội đối tác.
Để ghi nhận các nỗ lực của ngài đại sứ Michalak, ông đã được trao tặng Giải thưởng Cobb của Bộ Ngoại Giao Mỹ với tư cách là đại sứ đã có những "Thành công và Sáng kiến trong Phát triển Thương mại".
Theo(vef)