Nhà kinh tế học hàng đầu Mỹ Nouriel Roubini cảnh báo rằng giá lương thực, năng lượng và dầu ngày càng tăng nhanh đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho sự ổn định toàn cầu.

Phát biểu tại cuộc họp thường niên năm 2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, Roubini nói rằng nền kinh tế toàn cầu đang là "một chiếc cốc nửa đầy nửa vơi" với một số dấu hiệu phục hồi.

Nhưng ông cũng cho biết vẫn còn "rất nhiều điều có thể xấu đi" trong năm tới. Được hỏi điều gì là mối đe dọa mới lớn nhất, Roubini - người được phong cho cái tên "Quý ngài Ảm đạm" vì những dự đoán bi quan của ông trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế - nhấn mạnh vào sự gia tăng mạnh của giá hàng hóa.

Ông nói sự gia tăng nhanh "có thể là nguồn gốc của sự bất ổn chính trị chứ không chỉ sự yếu ớt về tài chính và kinh tế."

"Điều đã xảy ra ở Tunisia và hiện đang xảy ra ở Ai Cập, rồi các cuộc nổi loạn tại Morocco, Algeria, Pakistan không chỉ liên quan tới tỉ lệ thất nghiệp cao và sự bất bình đẳng về thu nhập, mà còn là sự gia tăng nhanh chóng của giá lương thực và hàng hóa."

Roubini, một giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh Stern đại học New York cho rằng, thế giới đã chứng kiến các tác động của sự tăng vọt về giá hàng hóa. Ông nói: "Khi giá dầu đạt đỉnh 148 USD 1 thùng vào mùa hè năm 2008, nền kinh tế toàn cầu lâm vào suy thoái và đó không chỉ do tác động của sự kiện Lehmann [Brothers]."
"Sự gia tăng giá dầu và hàng hóa dẫn đến những tác động tiêu cực đáng kể đối với thu nhập và tiêu dùng tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, tại tất cả các nước nhập khẩu hàng hóa."

Roubini cho CNN biết Mỹ, khu vực Châu Âu và Trung Quốc đều sẽ phải đối mặt với những thách thức trong năm tới. Ông nói, tại Mỹ, mức tăng trưởng khoảng 3% là có thể nhưng thất nghiệp sẽ vẫn cao.

Roubini nói với một nhóm người tham gia hội thảo tại WEF rằng các nước bên ngoài khu vực Châu Âu vẫn có rủi ro vì tiếp tục tăng trưởng chậm chạp, điều này, theo ông, có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội hơn nữa.

"Nếu các nước này không có được sự tăng trưởng kinh tế, các phản ứng gay gắt về chính trị xã hội đối với khó khăn và cải cách sẽ trở nên tồi tệ hơn bởi mọi người không nhìn thấy 'ánh sáng cuối đường hầm'."

Ông cho rằng Trung Quốc đã trì hoãn giải quyết các vấn đề kinh tế của mình quá lâu và có thể phải trả giá trong năm nay, điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới phần còn lại của thế giới. "Trung Quốc đã ở phía sau đường cong xét về khía cạnh thắt chặt tiền tệ - họ làm quá ít so với những gì họ nên làm và rủi ro hiện giờ là lạm phát có thể vượt ngoài tầm kiểm soát."

Ông nói: "Bởi vì họ không muốn mất lợi thế cạnh tranh, thương mại và xuất khẩu... họ khiến cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn và khi lạm phát thực sự gia tăng, họ sẽ phải thắt chặt nhiều hơn."

"Mỗi lần Trung Quốc thắt chặt, tác động đối với thị trường chứng khoán, không chỉ tại Trung Quốc và Châu Á mà trên toàn cầu là rất lớn." (theo vef)