Theo đánh giá của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc ngày càng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng kinh tế của các nước kém phát triển.

Các chuyên viên của IMF cho rằng trong những năm sắp tới, nhóm quốc gia BRICS (là các nước BRIC cộng thêm với Cộng hòa Nam Phi) sẽ gia tăng ảnh hưởng và cạnh tranh quyết liệt với những thủ lĩnh truyền thống như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại những nước kém phát triển.

Thực ra IMF chỉ tái khẳng định cái điều mà các nhà kinh tế đã nói từ lâu. Các nước đang trỗi dậy như Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng trở thành những “trung tâm quyền lực” mới về chính trị và kinh tế. Người ta không tính đến những dữ liệu của Cộng hòa Nam Phi, trong chừng mực đất nước này chỉ cách đây chưa lâu mới được đưa vào vào danh sách những nền kinh tế phát triển năng động. Theo nhóm chuyên gia của IMF, các nước trong nhóm BRIC đóng góp vào tăng trưởng của các nước chậm phát triển nhiều hơn so với Mỹ, châu Âu và các quốc gia phát triển khác. Nhóm BRIC đang xây đắp quan hệ với các nước châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh.

Chuyên viên Andrei Suzdaltsev nhận xét: “Tại Kenya, Tanzania và nhất là Sudan, ảnh hưởng của vốn Trung Quốc là rất lớn. Nhiều người Trung Quốc đang làm việc ở đó: các chuyên gia, kỹ sư, kỹ thuật viên và công nhân. Mỹ Latinh hiển nhiên thuộc phạm vi ảnh hưởng của Brazil, nhưng nước này cũng đồng thời gia tăng hiện diện ở châu Phi. Những nước BRIC tiếp thu rất nhanh những sáng chế phát minh mới nhất và bản thân các nước này cũng đạt được nhiều thành tựu trong phát minh sáng chế. Ấn Độ có ảnh hưởng to lớn đối với các khu vực Nam Á và Đông Nam Á”.

Theo nhận xét của giới chuyên viên IMF, khu vực ảnh hưởng căn bản của Nga là các quốc gia Trung Á, vốn có liên hệ kinh tế mạnh từ thời Liên Xô cũ. Điển hình là Azerbaijan, Kyrgyzstan, Tadjikistan. Các dự án đầu tư Nga cũng đang được triển khai tích cực ở Việt Nam và Mông Cổ.

Các chuyên viên IMF nhận định rằng những nước hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Canada và EU đang dần phải nhường chỗ cho BRIC và đó là xu hướng dù chậm nhưng rõ ràng. Việc đó xảy ra do một số nguyên nhân. Điều chính yếu nhất Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc không cố áp đặt những giá trị chính trị của mình cho khu vực chậm phát triển, mà chú ý xây dựng quan hệ trên nền tảng đối tác cùng có lợi. Như vậy, đang hình thành những trung tâm ảnh hưởng mới, làm đối trọng với phương Tây độc đoán . Chuyên viên Andrei Suzdaltsev nhận định: “Các nước BRIC tăng trưởng rất nhanh, là đầu tàu thúc đẩy phát triển trên hành tinh hiện nay. Và nền kinh tế của các nước này lớn mạnh nhanh chóng.

ưTrung Quốc hiện đứng thứ hai toàn thế giới, nền kinh tế của Brazil hồi cuối tháng 2 đã tiến lên vị trí thứ 7. Đây là những quốc gia có khả năng đồ sộ, với hiểu biết thấu đáo về thị trường. Một nét ưu việt nữa là họ biết nhanh chóng áp dụng sáng chế của Bắc Mỹ và châu Âu. Phương Tây không thể cản được đà đi lên như vậy”.

Các chuyên gia kinh tế nói rằng lịch sử đang đảo ngược. Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc từng nằm trong số các nước có nền kinh tế kém phát triển. Phương Tây đã giúp đỡ bằng công nghệ kỹ thuật và tài chính ở mức có thể. Bây giờ, thì đến lượt các nước BRIC trở thành động lực tăng trưởng cho GDP thế giới. Các nước này tạo lập những công viên công nghệ tiên tiến (thí dụ như thị trấn ứng nghiệm Skolkovo ở ngoại ô Moscow), hình thành các trung tâm tài chính. Và kết quả là nhóm nước này đang trở thành những trung tâm mới về ảnh hưởng chính trị và kinh tế.

Theo: tamnhin.net