Giá vàng trong nước sáng nay (18/4) tăng nhẹ lên vùng 37,3 triệu đồng/lượng, bất chấp đà tăng mạnh của giá vàng quốc tế. Trong khi, USD liên ngân hàng tiếp tục được duy trì ở mốc cao nhất 20.728 đồng.
Tính tới 9h sáng nay, vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu và vàng SJC của Phú Quý đều được mua vào với giá 37,18 triệu đồng/lượng, bán ra với giá 37,3 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng so với sáng 16/4. Trong khi theo giá lúc 8h20 của Sacombank, vàng SBJ được niêm yết ở mức 37,21 - 37,31 triệu đồng/lượng, giá mua vào và bán ra. Vàng SJC ở mức 37,2 - 37,32 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá giao dịch vàng tại châu Á sáng đầu tuần có sự tăng giảm khá mạnh. Mở phiên, vàng leo tới mốc 1.490 USD/ounce, sau đó giảm gần 6 USD về dưới 1.485 USD, rồi lại bật lên 1.485,3 USD/ounce. Hãng tin Bloomberg dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng, giá vàng quốc tế tuần này sẽ còn tăng mạnh, do nhà đầu tư tiếp tục đổ tiền tích trữ vàng để chống chọi với tình trạng lạm phát và đồng USD mất giá.
Theo Vneconomy, bất chấp những nỗ lực kiểm soát giá cả của Chính phủ Trung Quốc, lạm phát nước này vẫn đi lên với tốc độ nhanh nhất trong vòng 32 tháng vừa qua. Theo số liệu vừa công bố sáng 15/4 của Cục Thống kê Quốc gia, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng đáng kể so với chỉ số giá tiêu dùng hồi tháng hai ở 4,9%.

Tiếp đó, hôm 17/4, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thông báo tăng thêm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng. Theo đó, từ ngày 21/4, các ngân hàng thương mại Trung Quốc sẽ phải giữ 20,5% số tiền gửi tại ngân hàng làm tiền dự trữ. Đây là lần thứ tư, PBoC tăng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại kể từ đầu năm đến nay, và là lần tăng thứ mười kể từ đầu năm 2010.

Tuy nhiên, không chỉ có Trung Quốc, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang phải vật lộn để giải quyết bài toán lạm phát. Hôm 15/4, Bộ Lao động Mỹ thông báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,5% so với tháng 2, lạm phát lõi tăng 0,2%. Nếu so với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát tháng 3 đã tăng 2,7%, mức lớn nhất kể từ tháng 12/2009. Bộ Lao động Mỹ lý giải, lạm phát tăng cao chủ yếu do chi phí lương thực và năng lượng tăng mạnh.
Cụ thể, giá năng lượng tháng 3 tại Mỹ đã tăng 3,5% so với tháng 2. Giá thực phẩm tăng 0,8%, lớn nhất kể từ tháng 7/2008. Trong khi đó, mức tăng thu nhập của người lao động không thể bù đắp được mức tăng của các chi phí. Tiền lương bình quân theo giờ của người lao động Mỹ, sau khi điều chỉnh, đã giảm 0,6% trong tháng 3. Thực tế, mức lương theo giờ đã giảm 1% trong năm qua.



Tại châu Âu, theo công bố hôm 16/4, tỷ lệ lạm phát trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 2,7% trong tháng 3 vừa qua, cao hơn dự báo trước đó, và vượt mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra. Nguyên nhân cũng là do giá xăng dầu và hàng hóa biến động mạnh trong suốt tháng báo cáo.

Tính riêng trong tháng 3, giá năng lượng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu đã tăng lên 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, tỷ lệ lạm phát trong tháng 4 có thể sẽ tăng cao trên 2% so với mong đợi của ECB trong việc kìm hãm giá cả. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu cũng đã tăng lên 3,1% trong tháng trước.

Một quốc gia khác cũng được thế giới nhắc tới nhiều về lạm phát trong tuần qua là Ấn Độ. Trong tháng 3 vừa qua, lạm phát của quốc gia này tiếp tục tăng tốc 8,98%, vượt xa dự báo của giới phân tích, gây áp lực cho ngân hàng trung ương trong việc thắt chặt chính sách tài chính. Chuyên gia kinh tế Samiran Chakraborty thuộc ngân hàng Standard Chartered cho biết, lạm phát hiện là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Ấn Độ.
Trên thị trường ngoại hối trong nước sáng nay (18/4), tỷ giá USD liên ngân hàng duy trì ở mức đỉnh cao ngày thứ 2 liên tiếp, 20.728 đồng/USD, cao nhất kể từ Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá hôm 11/2 tới nay. Tỷ giá trần áp dụng tại các ngân hàng thương mại là 20.935 đồng/USD. Cụ thể, tại Vietcombank, giá USD mua vào là 20.930 đồng, bán ra là 20.935 đồng.
Theo(Vef)