Ngân hàng Thế giới kết luận: Lương tháng ở Nga đã đạt mức kỷ lục. Người Nga tưởng đây là “trò đùa vô duyên” nếu như cơ quan thống kê quốc gia (Rosstat) không vội vàng chứng minh bằng những con số.

Theo con số thống kê, trong năm qua đồng lương thực tế ở Nga tăng 4,2% sau khi trừ đi tỷ lệ lạm phát và tiền đóng thuế. Còn thu nhập thực tế tăng 4,1%.

Nếu chỉ tính mức tăng đơn thuần thì trong năm 2010 lương tháng trung bình của dân Nga cao hơn 17% so với năm 2009, bước phát triển cao nhất kể từ khi đất nước bắt đầu các cuộc cải cách theo hướng thị trường.

Nhưng vì sao người Nga không nhận ra điều này mà chỉ than thở rằng chỉ có giá cả là tăng suốt bốn năm qua? Phải chăng con số thông kê không chính xác hay dân chúng “giả nghèo giả khổ”?

Sergei Smirnov, Giám đốc Viện Chính sách xã hội thuộc Trường Kinh tế cấp cao, cho biết rằng Rosstat không “làm xiếc” với những con số. Theo ông, bên cạnh con số thống kê về tiền lương thì còn con số về thị trường tiêu dùng. Tình hình kinh tế của Nga năm 2010 khá hơn nhiều so với năm 2009. Chẳng hạn, thị trường ô tô năm 2009 sụt còn một nửa so với năm 2008 nhưng đến năm 2010 đã phục hồi như cũ. Ngoài chương trình hỗ trợ ngành chế tạo ô tô của nhà nước, rõ ràng người tiêu dùng cũng phải có tiền riêng của mình thì mới sắm được xe mới.

Theo Sergei Smirnov, nếu như trước đây mọi người có tiền mà không có hàng thì giờ đây hàng hóa ê hề nhưng người dân không thể một lúc mua sắm tất cả như mong muốn. Điều này tạo ra cảm giác rằng dân chúng sống nghèo khổ cho dù thực tế không phải bao giờ cũng vậy.

Mặt khác, lương ở Nga tăng không đều ở các địa phương và ngành nghề. Ngành khai thác dầu mỏ và luyện kim được nâng lên nhiều vì sản phẩm của họ đang được giá. Trong khi đó thu nhập của giáo viên và bác sĩ chỉ đủ đảm bảo cuộc sống.

Con số thống kê cho thấy lương cao nhất thuộc về những người làm việc trong lĩnh vực tài chính – trung bình 47.611 rúp (trên 1.700 USD/tháng), lương của những người làm trong ngành dầu – khí tăng trên 12% so với năm 2009 và đạt 43.371 rúp (xấp xỉ 1.600 USD).

Những người làm trong ngành nông nghiệp là thiệt thòi nhất vì thu nhập của họ chỉ bằng một nửa mức chung cả nước – 10.410 rúp (340 USD)/tháng. Giáo viên cũng thuộc diện có thu nhập thấp – 13.632 rúp (khoảng 440 USD)/tháng, bằng 66% mức lương trung bình. Các nhân viên y tế cao hơn một chút – 15.371 rúp (khoảng 530 USD)/tháng, bằng 75% mức lương trung bình.

Giáo viên nông thôn là tầng lớp vất vả nhất vì do thiếu học sinh nên họ dạy không đủ giờ.

Mátxcơva là thành phố của các ngân hàng và công ty lớn nên mức thu nhập trung bình ở đây rất cao, xấp xỉ 40.000 rúp (gần 1.500 USD). Đi tàu hỏa ra khỏi đó vài giờ thì thu nhập thấp hơn 3,5 lần.

Vùng Bắc Cápcadơ vẫn là địa phương có thu nhập thấp nhất LB Nga với mức lương trung bình vượt trên 12.000 rúp (khoảng 405 USD).

Tại các nước phương Tây luật pháp quy định các doanh nghiệp phải điều chỉnh lương tùy thuộc vào mức tăng chỉ số tiêu dùng. Còn ở Nga chỉ một số doanh nghiệp làm như vậy. Đó là do luật pháp chưa chặt chẽ, các doanh nghiệp hành động theo lương tâm của mình.

Tại Nga lương của các công chức chậm được điều chỉnh do bộ máy quá lớn. Còn các doanh nghiệp thì lấy mức lương của công chức làm chuẩn, coi đây là lý do để chậm lên lương cho nhân viên. Cũng có ông chủ doanh nghiệp lập luận: “Hãy tăng năng suất lao động trước thì lương mới tăng theo!”. Song kinh tế thị trường lại đòi hỏi ngược lại – lương tăng thì nhu cầu tiêu dùng mới tăng theo và điều này thúc đẩy năng suất lao động. Lương không tăng thì hàng hóa không bán được và như vậy thì năng suất lao động không có cơ sở để được nâng lên.

Theo: tamnhin.net