(Tamnhin.net) - Về mặt lý thuyết cứ 3 tháng thì mới có quyền điều chỉnh giá điện, nhưng trước hết vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, xem cách tính sẽ như thế nào.





Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri nhấn mạnh điều này khi trao đổi về phương án tăng giá điện của EVN theo quyết định 24 của Thủ tướng vừa ban hành.


Phó tổng giám đốc EVN nêu rõ, thực tế thì không thể khẳng định thời điểm nào tăng giá điện trong các kỳ tới.


Hiện EVN cũng đang phải cân nhắc thời điểm tăng giá và tính làm sao người dân có thể chịu đựng được.


Thứ hai nữa là cũng phải xét đến EVN là một tập đoàn nhà nước nên cũng phải theo chỉ đạo của Chính phủ. Thời điểm nhạy cảm cũng phải nghiên cứu, cân nhắc, cho nên cũng không thể khẳng định từ 1/6 giá sẽ tăng. Giả sử có dự kiến tăng từ 1/6 chắc cũng không kịp vì hiện chưa có thông tư hướng dẫn.


Phó tổng giám đốc EVN cũng cho rằng, trong phương án giá điện năm 2011 hoàn toàn chưa tính khoản lỗ ước tính khoảng 8.000 tỷ đồng trong năm 2010 của tập đoàn này vào giá điện mặc dù sau khi tăng giá điện hồi đầu tháng 3 năm nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, mục đích chính của tăng giá là để giảm lỗ cho EVN.


Theo Phó tổng giám đốc EVN, trong đề án mà Bộ Công Thương phê duyệt sắp tới, Bộ sẽ công bố số liệu cụ thể giá thành điện sẽ được xây dựng trên cơ sở nào. Các khoản treo mà EVN chưa hạch toán vào giá điện hiện nay gồm 2 phần, trong đó có khoản lỗ năm 2010.


Trong phương án giá điện 2010, tính thiếu hụt so với mức EVN thực hiện là trên 11.000 tỷ đồng, EVN phải chi do lượng điện phát từ chạy dầu tăng lên và do phải mua giá cao của các nhà khai thác khác. Số tiền tăng lên là hơn 11.000 tỷ đồng so với phương án mà Chính phủ duyệt trước đó.


Thực tế khoản lỗ của EVN trong năm 2010, theo sơ bộ tính toán thì chỉ khoảng hơn 8.000 tỷ đồng do chúng tôi đã yêu cầu các công ty cắt giảm một loạt các chi phí. Toàn bộ các công ty truyền tải, công ty phân phối chúng tôi cắt hết khoản lợi nhuận mà trước đây dự kiến cho họ, cho nên chi phí đã giảm khoảng trên 3.000 tỷ đồng, lỗ chỉ còn hơn 8.000 tỷ đồng.


Trong phương án giá điện năm 2011, EVN chưa tính số lỗ trên vào giá điện. Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu phải chờ đến khi có kiểm toán thì con số đó mới chính xác. Hiện nay kiểm toán đang làm việc, dự cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới mới có con số kiểm toán chính thức.


Phó tổng giám đốc EVN cho biết, chênh lệch tỷ giá cũng là một khoản mà EVN chưa tính vào. Theo chế độ kế toán chung thì các khoản chênh lệch tỷ giá này phải hạch toán vào chi phí trong sản xuất kinh doanh. Nhưng trong giá điện, các bộ ngành cũng không dự báo được tỷ giá sẽ lên bao nhiêu trong thời gian tới cho nên không chấp nhận đưa vào giá điện.


Hiện nay, EVN chủ yếu vay các khoản từ nước ngoài để đầu tư là chủ yếu, chủ yếu là ngoại tệ và nếu không đưa chênh lệch tỷ giá vào thì các công ty phát điện họ sẽ vỡ nợ lúc nào không biết khi tỷ giá có sự biến động chính. Vì vậy sắp tới bắt buộc phải đưa chênh lệch tỷ giá vào để đảm bảo công bằng cho các bên phát điện.


EVN cũng đã từng trình Chính phủ trong năm 2008, 2009 và 2010, cho phép EVN trích các khoản đã đến hạn trả vào trong giá thành, còn các khoản chênh lệch tỷ giá mà chưa đến hạn trả thì cho phép trích dần theo đó.


Theo Phó tổng giám đốc EVN, phải mất ít nhất 10 năm nữa các dự án điện mới thu hồi được vốn. Trong sản xuất điện thường có 2 phần, phần cố định và giá biến đổi sản lượng điện như chi phí nguyên liệu, sản xuất khí, than rất tốn điện vì vậy khi giá khí và than tăng lên thì bắt buộc phải điều chỉnh giá điện để người sản xuất điện có tiền trả đủ bên cung cấp than và khí. EVN phải điều chỉnh tăng phần đó lên cho họ. Ví dụ theo hợp đồng, nếu giá khí giảm thì giá điện cũng sẽ được giảm theo và ngược lại.


Nếu ai làm điện sẽ thấy rằng, nhiên liệu hiện nay chiếm khoảng 60% giá thành đối với nhiệt điện than và khí, còn phần cố định chỉ chiếm khoảng 20-30% thôi.


Phó tổng giám đốc EVN nêu rõ, EVN cũng đã rất nhiều lần báo cáo Bộ Công Thương muốn thị trường hoá nhanh. Bản thân EVN cũng không muốn giữ các Tổng công ty phát điện (GENCO), chính vì thế EVN đã có văn bản chính thức trình Thủ tướng Chính phủ cho tách, để minh bạch và EVN chỉ là người mua điện.


Tuy nhiên, với tình hình như hiện nay nếu các GENCO tách ra, họ khó thu xếp được vốn và nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới là hiện hữu. Nếu tách các nhà máy điện đang xây dựng hiện này ra khỏi EVN thì các ngân hàng sẽ dừng cho vay vốn. Các dự án mới cũng khó có thể vay được, thậm chí các dự án đang vay vốn mà bây giờ chuyển đổi người vay là EVN sang một công ty khác, ngân hàng sẽ không đồng ý.


Do đó, đề án trình Chính phủ về việc tách trên đang phải chuyển đổi lại. Chính phủ cho rằng phải để khi nào GENCO đủ năng lực lúc đó mới tách ra khỏi EVN. Thời gian đầu thì không tách, sau đó khoảng 3 năm (về nguyên tắc muốn cổ phần hoá được phải 3 năm), báo cáo tài chính của GENCO đó đủ mạnh thì mới cổ phần hoá được.


Với thị trường điện, EVN rất muốn nhiều người cùng làm. Và sau quyết đinh 24 của Thủ tướng vừa qua, sẽ mở ra một hướng là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra để bỏ vốn đầu tư vào ngành điện. Chứ nếu cứ theo giá cố định như trước đây, trong khi đó một loạt giá đầu vào thay đổi…thì nhiều công ty phát điện không trả nợ được.
Minh Giang