Giá xăng giảm 500 đồng/lít vào lúc 21h tối 26-8 vừa qua những tưởng sẽ khiến dư luận vui mừng, song ngược lại người tiêu dùng đón nhận thông tin trên với thái độ không mấy hào hứng. "Đáng lẽ phải giảm từ lâu rồi”; "Giảm 500 đồng/lít vẫn là quá ít so với mặt bằng giá xăng dầu thế giới”; "Dường như nhà quản lý buộc phải giảm vì dư luận đã ấm ức quá lâu”... Những câu nói trên cho thấy người tiêu dùng đã và đang thất vọng với cơ chế điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Tăng nhiều, giảm chẳng bao nhiêu


Theo thông báo số 225 Bộ Tài chính phát đi tối hôm 26-8, giá bán lẻ xăng dầu giảm sau khi có sự thống nhất với Bộ Công thương. Mức giảm 500 đồng được áp dụng với các loại xăng, trong đó A92 còn 20.800 đồng một lít, thay vì mức áp dụng từ tháng 3 tới nay. Như vậy, bắt đầu từ lúc tăng đến mức đỉnh điểm 21.300 đồng/lít hồi tháng 3, thì đến nay sau 5 tháng dài đằng đẵng, giá xăng cuối cùng cũng được giảm theo tinh thần "điều chỉnh theo cơ chế thị trường”?

Được biết, cơ sở giảm giá xăng dầu của Bộ Tài chính lần này là dựa trên việc tính giá xăng bình quân 30 ngày đã cao hơn giá hiện hành. Như vậy, một thời gian dài Bộ này không đưa ra quyết định cho việc giảm giá xăng dầu, là bởi, Bộ này quy định cơ sở để điều chỉnh tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước là giá xăng dầu nhập khẩu tại Singapore trung bình 30 ngày tính từ ngày chốt thời điểm trở về trước. Với cách tính này, giá cơ sở trung bình 30 ngày vẫn cao hơn giá bán lẻ trong nước. Cụ thể, giá cơ sở trung bình 30 ngày tính đến ngày 23-8: xăng A92 là 21.644 đồng/lít, dầu hỏa là 21.145 đồng/lít và dầu diesel là 20.966 đồng/lít. Trong khi đó, giá bán lẻ tại thời điểm trước khi giảm lần lượt là 21.300 đồng/lít, 21.100 đồng/lít và 20.800 đồng/lít.

Trái lại với những quy luật thông thường, đón nhận thông tin này không phải là sự mừng vui của dư luận, mà ngược lại hầu hết người tiêu dùng đều tỏ vẻ thờ ơ bởi cái điều họ mong chờ nhất đã không đến đúng thời điểm. Thêm vào đó, giá xăng lúc tăng thì tăng rất nhiều, giảm lại chẳng đáng bao nhiêu, khiến người tiêu dùng phát nản...

Có một điều mà nhà quản lý biết, doanh nghiệp biết, người tiêu dùng biết trong vòng 5 tháng qua, đó là giá xăng dầu trên thế giới đã giảm liên tục, giảm đến mức, người ta tin tưởng rằng, nếu giá xăng dầu thực sự đã vận hành theo cơ chế thị trường thì không thể không "trơ trơ” giữ nguyên giá cũ. Vậy nhưng, những người "cầm cân nảy mực” vẫn cố tình làm ngơ. Sau nhiều cuộc thương thảo, hội họp, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp (chứ không lắng nghe ý kiến của người dân – PV), đến đầu tháng 8 vừa qua, cả Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã đi đến quyết định "không giảm giá xăng dầu”. Quyết định đó đã khiến toàn dư luận thất vọng.

Cần xóa tình trạng độc quyền

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế - xã hội Hà Nội thực sự bức xúc khi nhận định rằng: "Ngay cả cái gọi là quyền lợi hình tam giác (ngân sách nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng) còn quá nhiều điều cần phải xem xét lại khi mà trong cách hành xử của nhà quản lý thời gian qua, người tiêu dùng lại đang bị xếp vào vị trí đáy của hình tam giác - vị trí cuối cùng của thứ tự ưu tiên. Chỉ khi doanh nghiệp có lãi, Nhà nước thu đủ thuế, khi ấy mới tính đến giảm giá xăng dầu.

Theo các chuyên gia kinh tế, về cơ bản, giá xăng dầu hiện nay được phân quyền quản lý giữa các đơn vị chủ quản và một số đầu mối nhập khẩu xăng dầu truyền thống độc quyền. Bởi vậy, để có một thị trường cạnh tranh thực sự lành mạnh là rất khó. "Việc minh bạch giá bán lẻ xăng dầu, công khai lỗ lãi trong doanh nghiệp là những đòi hỏi chính đáng của người tiêu dùng. Dân có thể chấp nhận trả giá xăng cao nhưng họ cần biết số tiền họ bỏ ra có thực sự hợp lý” – TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Giảm gíá xăng dầu trong thời điểm hiện nay là điều cần làm và đáng lẽ đã phải làm từ lâu để phù hợp với xu thế thị trường thế giới. Song giảm chỉ ở mức "nhẹ nhàng” như vậy nhiều người tiêu dùng không hài lòng là điều dễ hiểu. Đáng lẽ, ở thời điểm giá xăng dầu cần giảm mạnh và giảm nhanh, thì doanh nghiệp lại cứ chờ quyết định của cơ quan quản lý, và khi trách nhiệm này đến tay thì các cơ quan lại dựa vào Nghị định 84, cụ thể ở đây là sẽ điều chỉnh giá xăng dầu dựa trên quy định về cách tính giá cơ sở trung bình 30 ngày theo giá thế giới. Rõ ràng, đang diễn ra một thực trạng buộc dư luận phải đặt câu hỏi: Sự mập mờ trong cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu và vai trò điều tiết của Nhà nước trong quản lý mặt hàng này?

Theo ông Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, việc giảm giá xăng dầu là tất yếu và diễn biến giá nhập khẩu cho thấy hoàn toàn có thể giảm được nếu điều hành linh hoạt, còn nếu thực hiện tính toán theo quy định giá cơ sở mức trung bình 30 ngày như trên là quá cứng nhắc.

Rất cần phải tự do hóa trong vấn đề nhập khẩu và phân phối xăng dầu và loại bỏ tính độc quyền ở thị trường này để cơ chế thị trường xăng dầu thực sự trở thành hiện thực. Có như vậy, quyền lợi người tiêu dùng mới thực sự được bảo vệ.Phương ThảoTuyên bố trách nhiệm:Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.(Báo Đại Đoàn Kết)