Với các hãng taxi, việc đổi số khiến hoạt động đưa đón khách của hãng bị ảnh hưởng. Để tiện liên lạc, các hãng không ngần ngại bỏ hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng để sở hữu một số đẹp. Thế nhưng khi thêm số 3 vào đằng trước, số điện thoại "bạc triệu" nghiễm nhiên giảm giá trị xuống "bạc trăm".
Một hãng taxi tại TP HCM mới đây đã bỏ ra 40 triệu đồng để mua số điện thoại cặp đôi dùng cho đại lý của hãng tại Đồng Nai. "Chưa kịp đưa vào sử dụng, dãy số này đã bị thêm số 3 vào đằng trước trông vô duyên hết cỡ. Ngay cả mình nhìn còn mất cảm tình, huống hồ khách", giám đốc công ty nói.
Thế nhưng, đây mới chỉ là thiệt hại ban đầu. Tập đoàn Mai Linh mới đây đã gửi đi in một số lượng lớn các tờ quảng cáo, tài liệu, hồ sơ khách hàng, danh thiếp cho nhân viên. Những thứ này chưa dùng được bao nhiêu giờ phải chuẩn bị in lại. Ngoài ra, công ty này cũng dự tính phải chi ra một khoản tiền lớn để thay đổi đề can quảng cáo trên 6.000 chiếc taxi của hãng hiện nay.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường liên lạc với đối tác, khách hàng nước ngoài qua điện thoại và fax. Ông Hùng, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu lo ngại: "Quy định về đổi số điện thoại cố định đã ngốn của chúng tôi một khoản chi phí không nhỏ. Chưa kể, sự thay đổi này có thể khiến việc liên lạc với khách hàng bị gián đoạn, nhất là với đối tác người nước ngoài".
Các doanh nghiệp cho rằng hhoảng thời gian 2 tuần giữ song song hai số điện thoại cũ và mới là quá ngắn, không đủ để họ in mới các tài liệu, hồ sơ, catalog, số điện thoại công ty. "Doanh nghiệp cần ít nhất 6 tháng để sắp xếp những việc này. Ai sẽ gánh cho chúng tôi cũng khoản chi phí phát sinh này", ông Hùng - giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu than.

Cả nước hiện có 10 triệu thuê bao điện thoại cố định của VNPT. Ảnh: Hoàng Hà. Từ sáng 6/10, nhiều doanh nghiệp, siêu thị tại Hà Nội đã áp dụng cách quay số điện thoại mới, thêm số 3 vào đằng trước theo thông báo của VNPT.

Tuy chưa tổ chức, cá nhân nào đưa ra được con số thiệt hại cụ thể từ đợt đổi số, song dư luận cũng đặt câu hỏi trách nhiệm của nhà khai thác dịch vụ như thế nào trước những vấn đề mà họ gây ra cho người tiêu dùng. Bởi lẽ đây không phải là lần đầu tiên VNPT tiến hành đổi số điện thoại mà trước đó, với lý do cháy kho số, hãng đã vài ba lần tiến hành đổi tại một số địa phương như Hà Nội, TP HCM, Nam Định... Trao đổi với báo chí, người phát ngôn của VNPT - Bùi Quốc Việt - thừa nhận đối với khách hàng công ty đang sử dụng những số điện thoại đẹp thì việc đổi số có ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên ông khẳng định đây chủ trương của Nhà nước nên việc đền bù cho các thiệt hại cho khách hàng chỉ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, khách hàng phải chứng minh được các thiệt hại của mình bằng vật chất cụ thể.

Liệu sau này việc đổi số điện thoại có còn tiếp diễn? Phải chăng trình độ quản lý, điều hành còn quá kém? Sao không thể quy hoặc được trong dài hạn? Phải chăng tốc độ phát triển của Việt Nam rất nhanh?

Một tình huống được đề cập ở đây là "phải chứng minh được các thiệt hại của mình bằng vật chất cụ thể" do việc đổi số điện thoại cố định gây nên. để được đền bù thiệt hại. Đứng trên vai trò của "người bị hại", bạn sẽ chứng minh như thế nào?

http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2008/10/3BA07399/