Sau khoảng 2 tháng tỷ giá ổn định, người gửi tiền cá nhân đang dịch chuyển tiền gửi bằng ngoại tệ của mình sang VND.


Theo đánh giá của Khối nguồn vốn Ngân hàng VIBBank, tỷ giá giữa VND và USD tuần qua vẫn ổn định trong khoảng 16.514 - 16.517 đồng/USD nhưng do ảnh hưởng tâm lý từ cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ nên nhiều người có xu hướng rút tiền tiết kiệm bằng đồng USD để chuyển sang các loại ngoại tệ khác như EUR, GBP, vàng và VND.

Một lãnh đạo của VIB Bank cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang mua USD từ các tổ chức tín dụng với giá 16.600 đồng/USD, vì vậy nhiều khả năng tỷ giá USD/VND sẽ giữ ổn định và xoay quanh mức giá này.

Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Nội cho biết, ngoài việc chuyển USD sang ngoại tệ khác hoặc chuyển sang đầu tư vàng thì trong 2 tuần qua, lượng khách hàng đến rút USD chuyển sang gửi tiết kiệm bằng VND tại ngân hàng ông đang tăng. Hiện tượng này cũng xảy ra tại một số ngân hàng thương mại khác.

“Nếu tỷ giá tiếp tục giữ ổn định hoặc giảm thì khả năng dịch chuyển loại tiền gửi sang VND như thế này sẽ lớn hơn tới cuối năm”, ông này nói.

Trong tháng 9/2008, tỷ giá USD/VND tương đối ổn định, dù có một chút xáo trộn trong tuần thứ ba của tháng với việc tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng trong nước tăng nhẹ khoảng 30 đồng/USD. Nhưng sau đó, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã nhanh chóng trở về khoảng 16.570 - 16.590 đồng/USD của những tuần đầu tháng.

Theo nhận định của NHNN , tỷ giá USD/VND trong nước đã ổn định trở lại và dao động nhẹ, tỷ giá giao dịch của các ngân hàng thương mại thấp hơn mức trần cho phép từ 100 - 300 đồng/USD, tỷ giá trên thị trường tự do biến động theo xu hướng tỷ giá trên thị trường chính thức.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng biến động của tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn là do yếu tố tâm lý, còn về trung và dài hạn cần phải xem khủng hoảng tài chính Mỹ diễn biến ra sao và có thật sự tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam hay không.

Ông này nhận định, trong thời gian tới, có thể sẽ có nhiều người tính đến việc bán USD vì e ngại khủng hoảng của Mỹ (gánh nặng nợ của Chính phủ Mỹ tăng lên) sẽ làm đồng USD giảm giá so với những đồng ngoại tệ khác.

Nếu nền kinh tế Mỹ không sớm phục hồi, giá USD thậm chí giảm về 16.000 đồng/USD. Trong khi đó, tốc độ tăng của lạm phát đang có xu hướng giảm trong những tháng gần đây khiến niềm tin vào VND được củng cố hơn.

Với sự ổn định tỷ giá, khoảng cách lãi suất tiền gửi tiết kiệm giữa VND và USD còn khá lớn (trên10%/năm), khiến việc gửi tiết kiệm bằng VND mang lại khoản lãi thực lớn hơn cho người gửi.

Hiện tại khoảng cách này đang có xu hướng thu hẹp lại do lãi suất huy động VND đang theo chiều hướng giảm. Sau thỏa thuận của các ngân hàng và Hiệp hội Ngân hàng tuần qua, nhiều ngân hàng đã bắt đầu cắt giảm lãi suất huy động VND.

Theo các ngân hàng, dù có giảm lãi suất huy động VND xuống mức khoảng 14-15%/năm, nhưng do lãi suất USD khó có khả năng tăng với lãi suất huy động bình quân bằng USD là 5,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng) thì khoảng cách này vẫn còn rất lớn (8-9%/năm) và gửi tiết kiệm bằng VND vẫn có lợi hơn nhiều.

==>> Việc dịch chuyển sang gửi bằng nội tệ cũng là minh chứng về sự tin tưởng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, giúp giảm đô la hoá và thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý trong điều hành kinh tế vĩ mô.