Công ty Jayangti PTE.LTD (Singapore) vừa nhận từ Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Đắk Lắk giấy chứng nhận đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan công suất 6.000 tấn sản phẩm/năm, lớn nhất Việt Nam.

Nhà máy có tổng vốn đầu tư 288 tỉ đồng này sẽ được khởi công xây dựng tại xã Đray Bhang, huyện Cư Kuin vào tháng 6 tới và dự kiến đi vào hoạt động tháng 5/2011.

Là "thủ phủ" của cây cà phê Việt Nam với gần 176.000 ha,cho sản lượng hàng năm từ 400.000 tấn nhân trở lên, Đắk Lắk đang hướng mạnh và khâu chế biến để nâng cao hiệu quả cây trồng có giá trị này.

Tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở chế biến cà phê hiện đại và hỗ trợ vốn cho nông dân xây dựng sân phơi, nhà kho, cơ sở chế biến ướt tại các cụm dân cư để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu.

Mới đây, tháng 12/2008, một nhà máy chế biến cà phê nhân lớn nhất khu vực Tây Nguyên 100% vốn nước ngoài, công suất 100.000 tấn nhân/năm của Công ty TNHH cà phê Hà Lan-Việt Nam cũng đã được đưa vào hoạt động tại Cụm công nghiệp Tân An 2, Thành phố Buôn Ma Thuột.

Theo Cục Chế biến (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong số trên 100 doanh nghiệp tham gia chế biến cà phê tại Đắc Lắc hiện nay chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp có vườn cây, quy trình chế biến tương đối đồng bộ. Số doanh nghiệp này chỉ đảm đương được khoảng 20% sản lượng cà phê toàn tỉnh, 80% còn lại vẫn do nhân dân tự thu hái, chế biến, bảo quản theo cách truyền thống rất thô sơ nên chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ thất thoát rất lớn.

Bất cập này là một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung luôn thấp hơn các nước trong khu vực từ 50 đến 70 USD/tấn, thậm chí có lúc chênh lệch đến hơn 100 USD.

Bởi vậy, mục tiêu của Đắk Lắk đến năm 2015 chỉ ổn định diện tích cà phê ở mức khoảng 150.000 ha với sản lượng 400.000 tấn trở lên, tỷ lệ tinh chế đạt 15% - 20%, đưa giá xuất khẩu cùng loại tương đương với giá của các nước trên thế giới.
(Nguồn: www.quehuongoi.vn)