Nguồn: www.quehuongoi.vn
Ủy ban châu Âu có thể ra những quyết định mang tính "trừng phạt" các mặt hàng giày da giá rẻ nhập khẩu từ Việt Nam vì cho rằng chúng được bán phá giá. Tuy nhiên Anh, quốc đảo nằm tách rời khỏi lục địa châu Âu, không phủ nhận hàng nhập khẩu từ Việt Nam có lợi cho người tiêu dùng của họ. Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp và cải cách quy định của Anh John Alty là người ủng hộ mạnh mẽ thương mại tự do và mở cửa thị trường, và là người thường xuyên làm việc với cộng đồng doanh nghiệp Anh ở Việt Nam“Chúng tôi hưởng lợi từ hàng hóa của những nước như Việt Nam vì chúng giúp giảm giá cho người tiêu dùng” - ông John Alty, vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp và cải cách quy định của Anh, nói với Tuổi Trẻ nhân dịp ông sang gặp gỡ các quan chức Việt Nam và cộng đồng kinh doanh Anh tại Hà Nội. “Nhập khẩu cũng quan trọng cho kinh tế như xuất khẩu” - ông nói.
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Anh các mặt hàng dệt may, giày dép, đồ gỗ, nông sản và thủy sản. Người tiêu dùng Anh ngày càng biết đến sự hiện diện của hàng hóa "Made in Vietnam". Đây có thể là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi hầu hết thị trường xuất khẩu chính đang giảm nhu cầu.
“Sứ quán Anh luôn mở rộng cửa để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Anh cũng như giải đáp những thắc mắc về thủ tục kinh doanh và quy định pháp luật của nước này với hàng hóa nhập khẩu” - ông Warren Pain, trưởng phòng thương mại và đầu tư của sứ quán, khẳng định.
Tuy vậy, John Alty lo ngại suy thoái kinh tế hiện nay đang đẩy các nước quay lại chủ nghĩa bảo hộ. “Mọi quốc gia trên toàn thế giới đều đối mặt với vấn đề này - ông Alty nói - nhưng không thể quên một điều rằng thương mại tự do luôn có lợi cho tăng trưởng và sự phồn vinh của người dân”.
Đó cũng là lý do thúc đẩy ông nói chuyện với các đồng nghiệp của mình trong Chính phủ Việt Nam về hiệp định khu vực thương mại tự do (FTA) giữa EU-ASEAN vốn không diễn ra đủ nhanh như Ủy ban châu Âu mong muốn. Năm 2008, Ủy ban châu Âu tại Việt Nam đã đề cập tới khả năng “gia nhập sớm” vào khu vực tự do này, tức là EU muốn đàm phán riêng rẽ với từng nước trong ASEAN và những nước mong muốn có một khu vực thương mại tự do với EU có thể ký trước, những nước còn lại sẽ gia nhập khi họ sẵn sàng.
Ông Alty nhấn mạnh nước Anh không muốn thúc giục nước nào hết nhưng càng trì hoãn thì lợi ích của FTA càng ít. Ông vui mừng nhận thấy những quan chức Chính phủ Việt Nam mà ông tiếp xúc lần này tỏ ra nghiêm túc về việc tạo thêm tiến triển cho quá trình thương lượng FTA. “Tháng 3 năm nay hai bên (tức EU và ASEAN) sẽ tiếp tục gặp nhau và có thể sau đó mỗi bên sẽ quyết định hướng đi tiếp theo là gì” - ông tiết lộ với Tuổi Trẻ.
Trong khi đó, để tiếp tục giữ vững luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ông Alty gợi ý Việt Nam tiếp tục thực thi những cam kết WTO của mình, để đảm bảo việc thực thi không chỉ dừng ở công đoạn thông qua điều luật nào đó mà thật sự có những công việc nhằm tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Thông điệp ông Alty mang về cho giới kinh doanh Anh sau chuyến làm việc này là chính quyền Việt Nam cam kết rất mạnh về hỗ trợ FDI và thương mại tự do. Để hàng "Made in Vietnam" tăng sự hiện diện ở thị trường Anh, theo ông, không chỉ phụ thuộc vào chính phủ mà ở chính doanh nghiệp hai bên, những người phải tự nắm bắt các điều kiện thị trường ở nước kia để tìm cho mình hướng đi thích hợp cho tương lai.