Theo Vnexpress
20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu được Quốc hội duyệt bổ sung cho các dự án công trình trọng điểm năm 2009. Tuy nhiên, xung quanh việc giải ngân khoản vốn trên sao cho hiệu quả vẫn còn nhiều bàn cãi.

Theo kế hoạch, số vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung năm 2009 được bố trí cho nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Trong đó, các dự án giao thông là 8.300 tỷ đồng; thủy lợi 4.200 tỷ đồng, còn lại 5.500 tỷ đồng giao cho các dự án giáo dục. Theo tính toán của Chính phủ, với 36.000 tỷ đồng vốn trái phiếu theo kế hoạch, cùng với 20.000 tỷ đồng bổ sung và gần 8.000 tỷ đồng từ năm 2008 chuyển sang, tổng vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ lên tới 64.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2008.
Tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, hầu hết các đại biểu đều ủng hộ việc phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu bổ sung song lại lo lắng về kế hoạch giải ngân. Bởi lâu nay, việc huy động vốn từ các tổ chức tài chính và cá nhân bằng hình thức phát hành trái phiếu không khó song tiến độ giải ngân luôn gặp vấn đề.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc giải ngân các khoản vốn đã được duyệt cho năm 2009 (không bao gồm 20.000 tỷ bổ sung nói trên) tại hầu hết các địa phương đều chậm. Tính đến hết ngày 31/5, vốn trái phiếu Chính phủ mới giải ngân được khoảng 5.336 tỷ đồng, bằng 18,4% kế hoạch. Trong đó, Trung ương đạt 3.771 tỷ đồng, đạt 21,6% kế hoạch, địa phương đạt 1.565 tỷ đồng, đạt 16,6% kế hoạch.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay 6 tháng đầu năm, giải ngân nguồn vốn trái phiếu Chính phủ chậm, kể cả huy động và tiến độ thực hiện, những dự án ưu tiên như y tế, trường học cũng đạt kết quả rất thấp. "Đây có thể coi là dấu hiệu về khả năng không hấp thụ hết nguồn vốn. Ngoài ra, cần lưu ý đến nguyên tắc bổ sung phải dựa trên ưu tiên số một là hiệu quả đầu tư của dự án", ông nói.
Đại biểu Trần Thế Vượng nói: "Lo lắng lớn nhất của tôi là vấn đề giải ngân". Ông dẫn chứng, trong báo cáo giải trình, Chính phủ đưa ra 5 giải pháp giải ngân nguồn vốn, trong đó có những giải pháp xưa nay vẫn làm nhưng chẳng đem lại kết quả.
Đại biểu Trần Đình Đàn bổ sung thêm: "Việc phân bổ nguồn vốn có vẻ hơi dàn trải nhất là đầu tư cho y tế tuyến huyện. Do vậy, khoản vốn 20.000 tỷ đồng cần có kế hoạch cụ thể và phải tập trung vào các dự án đã được duyệt, có đủ thủ tục, giấy tờ mới mong có kết quả mong muốn".
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Hà Văn Hiền nhấn mạnh việc giải ngân các dự án đúng là chậm tiến độ, điều đáng nói là các công trình ưu tiên như bệnh viện, trường học còn chậm hơn. Rõ ràng chuyện khó hấp thụ nguồn vốn là có thật, đòi hỏi các bộ ngành cần phải có biện pháp khắc phục thực trạng trên.
Trước băn khoăn của các đại biểu, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu các bộ ngành cần tiếp tục rà soát nhưng khúc mắc trong quá trình thực hiện các dự án tại địa phương để bố trí các khoản vốn cho phù hợp. Chậm nhất là tuần sau, phải có kết quả kiểm tra để báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét.
Ông Kiên lưu ý các bộ ngành địa phương cần phải công bố công khai các dự án để tạo tính minh bạch, tránh những tiêu cực không đáng có như chạy vạy thủ tục, giấy tờ mất thời gian.
"Hiện nay nguồn vốn trái phiếu được huy động theo hình thức bán buôn nghĩa là mới phát hành trong các tổ chức tài chính Nhà nước. Các cấp, ngành cần nghiên cứu để khoản vốn này được huy động cả ở khu vực dân cư, cá nhân chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi tổ chức", Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.