Trong khi đa số giữ quan điểm không nên tiếp tục kích thích kinh tế thông qua hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, thì các chuyên gia kinh tế cho rằng gói kích cầu thứ hai vẫn có thể mang lại hiệu quả nếu cải tiến phương thức cho vay.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: "Tôi vẫn nói không nên hỗ trợ lãi suất"
Ông Bùi Kiến Thành. Ảnh: N.M Cá nhân tôi vẫn cho rằng thay vì kích cầu qua lãi suất, chúng ta nên thực thi một chính sách tiền tệ lãi suất thấp hay nói cách khác là ngân hàng trung ương hạ lãi suất cơ bản, cấp vốn cho các ngân hàng thương mại với lãi suất thấp.
Hiện chưa rõ chúng ta sẽ dành bao nhiêu cho gói hỗ trợ lãi suất thứ hai, tuy nhiên, hãy thử làm một phép tính. Với 1 tỷ USD (khoảng 18.000 tỷ đồng) cho gói hỗ trợ lãi suất thứ nhất, trong năm 2009 dự kiến dùng hết khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu điều đó đúng thì chúng ta còn 8.000 tỷ đồng cho gói thứ hai. Với mức hỗ trợ lãi suất 2%, dự kiến sẽ có không dưới 400.000 tỷ đồng tín dụng chảy vào nền kinh tế.
400.000 tỷ đó đã đủ hay chưa? Để trả lời câu hỏi này, cần tính được tổng lượng tiền mà nền kinh tế cần trong năm 2010. Đó là việc mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần sớm trả lời, sớm báo cáo Quốc hội để Quốc hội quyết định quy mô gói kích cầu thứ hai chứ đừng đề xảy ra tình trạng Chính phủ tự quyết, tự thực hiện rồi mới báo cáo Quốc hội. Khi đã quyết định được quy mô rồi, đảm bảo được nguồn tài chính rồi thì làm sao đồng vốn đến được đúng địa chỉ.
Nhìn vào diễn biến thị trường chứng khoán những ngày qua thật đáng lo ngại. Lúc thị trường đi xuống, dễ hiểu thôi vì người vay những đồng vốn hỗ trợ lãi suất đầu tiên sắp đến hạn trả nợ. Họ buộc phải bán cổ phiếu để lấy tiền trả ngân hàng. Tâm lý bầy đàn sẽ kéo thị trường đi xuống. Đúng lúc đó, thông tin về gói kích cầu thứ hai được đưa ra. Người ta tạm yên tâm một chút, thị trường sẽ đi lên. Nhưng ai đảm bảo điều tương tự sẽ xảy ra khi gói thứ hai kết thúc? Tôi nghĩ việc cho vay theo đối tượng thay vì theo dự án đã khiến điều này xảy ra. Nếu muốn cho vay theo dự án, người ta đã không cho vay vốn lưu động. Nếu muốn gói hỗ trợ thứ hai đến đúng địa chỉ, nhất định phải tiến hành cho vay theo dự án, đồng thời, cải thiện chất lượng, cơ chế thẩm định dự án tại các ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch: "Nên dừng ngay việc hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn"
Ông Trần Du Lịch. Ảnh: P.A
Tôi không gọi đây là gói kích thích kinh tế thứ hai, mà coi là sự tiếp tục của các giải pháp đang làm. Nhóm giải pháp liên quan tới an sinh xã hội tiếp tục là đúng. Đầu tư phát triển từ ngân sách - tiếp tục cũng đúng. Hỗ trợ lãi suất trung dài hạn cho một số đối tượng cũng đúng. Nhưng hỗ trợ vốn ngắn hạn tôi cho rằng nên chấm dứt. Vấn đề không phải là gói kích cầu thứ nhất chưa xài hết tiền, nay xài tiếp. Mà cần quan tâm tới tác dụng của nó. Dù là thuốc bổ, cũng phải có liều lượng. Nói một cách hình ảnh thì gói kích cầu là rượu bổ, nhưng cũng không nên dùng quá chén.
Nhiều người nói lãi suất hiện nay cao. Tôi không nghĩ như vậy. Cao là so với các nước, nhưng nhớ là ở các nước lạm phát họ rất thấp. Còn ở mình, hiện chỉ số giá tiêu dùng vào khoảng 7%, lãi suất cơ bản cũng 7%. Tính ra là hòa, không có chuyện lãi suất thực âm, người gửi tiền không chịu thiệt. Vì thế không thể nói là lãi suất cao.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Nguyệt Hường: "Không tranh phao của người bơi yếu"
Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Ảnh: Hoàng Hà Doanh nghiệp của tôi chuyên đầu tư vào các khu công nghiệp, thường mang tính trung dài hạn. Gói kích cầu thứ nhất, đặc biệt là phần hỗ trợ lãi suất ngắn hạn, doanh nghiệp tôi không vay đồng nào cả, vì đó là vốn ngắn hạn. Tới đây có hỗ trợ vốn trung và dài hạn, cũng phải cân nhắc, không phải cứ có hỗ trợ lãi suất là đi vay. Các doanh nghiệp cũng có lý do nhất định để lựa chọn vay hay là không vay. Phần trung và dài hạn nên tập trung cho đầu tư hạ tầng, lượng của kích cầu có thể là tương đối lớn so với Việt Nam song so với các nước không thấm vào đâu. Vì thế tôi cho rằng doanh nghiệp của mình không khó khăn quá thì nên nhường cơ hội cho những doanh nghiệp khó khăn hơn. Đó cách doanh nghiệp giúp đỡ nhau. Và quan điểm của tôi là không tranh phao của người bơi yếu.
Mốt số đại biểu Quốc hội cho rằng dừng việc hỗ trợ lãi suất ngắn hạn ngay cuối năm nay doanh nghiệp cũng không sốc. Nhưng tôi tin Chính phủ đã cân nhắc kỹ khi xây dựng gói thứ hai, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm hạn chế của gói thứ nhất. Thời gian hỗ trợ ngắn hơn, mức hỗ trợ lãi suất cũng giảm xuống để cho doanh nghiệp không ỷ lại. Chính phủ có lý do nhất định để quyết định như vậy, và các đại biểu có thể không có thông tin tổng hợp nhiều như Chính phủ. Về phần mình, các bộ ngành, các địa phương cần sát sao để làm sao vốn kích thích kinh tế có hiệu quả, đi đúng mục đích, mục tiêu, đúng thời hạn.
Chuyên gia Nguyễn Quang A: "Vốn vay trung và dài hạn, nếu không khéo, sẽ lại chảy vào túi doanh nghiệp"
Ông Nguyễn Quang A. Ảnh: BTTT
Gói hỗ trợ lãi suất, tôi đã kiến nghị khá lâu là hết năm nay nên dừng không nên tiếp tục nữa. Theo tôi, ngay cả gói trung hạn và dài hạn cũng không nên tiếp tục vì rất nguy hiểm. Doanh nghiệp có nhiều kiểu, có đơn vị chẳng cần hỗ trợ họ vẫn làm ăn tốt, nhưng làm ăn tốt rồi lại vẫn được ưu đãi, như vậy là không ổn. Rõ ràng những người không xứng đáng được hỗ trợ lại vẫn được hỗ trợ, còn đối tượng thực sự cần hưởng chính sách này lại không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Cũng có những doanh nghiệp yếu kém được hỗ trợ, nhưng không ít thuộc diện không thể sống nổi, nhận vài đồng vốn để sống lay lắt.
Mặt khác, khủng hoảng của chúng ta đã qua cho nên giải pháp này không còn nhiều tác dụng. Cứu trong khủng hoảng là biện pháp nhất thời nếu càng kéo dài thì càng gây cản trở cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Tôi cho rằng chính sách này là kích cung nhiều hơn là kích cầu. Hàng không bán được thì sản xuất ra làm gì? Lượng hàng tồn kho tăng so với thời gian trước đến trên 30%. Tôi đồ rằng, không khéo những khoản vay trung hạn và dài hạn lại "chảy" vào túi doanh nghiệp Nhà nước mà thôi vì mỗi tập đoàn có mấy trăm doanh nghiệp con.
Giám đốc TT nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành: Hỗ trợ lãi suất không còn nhiều ý nghĩa vào thời điểm này
Ông Nguyễn Đức Thành. Ảnh: C.V.K Nền kinh tế nước ta hiện đã qua giai đoạn cần cấp cứu nên việc tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, dù cần thiết nhưng nên thực hiện sao cho không làm méo mó hoạt động sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ thu hẹp đối tượng hỗ trợ lãi suất là tốt song thu hẹp ở như thế nào? Tập trung cho xuất khẩu hay sản xuất trong nước?... là những câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần sớm trả lời và giải thích rõ ràng.
Cá nhân tôi cho rằng hỗ trợ lãi suất vốn ngắn hạn vào thời điểm này không còn nhiều ý nghĩa. Mức hỗ trợ là 2% một năm nhưng thời gian thực hiện chỉ có 3 tháng. Tính ra, mức hỗ trợ này không thấm vào đâu so với những tác động khác của kinh tế vĩ mô đối với doanh nghiệp như rủi ro về thị trường hay tỷ giá…
Kế hoạch kích thích kinh tế trong năm 2010 (hay còn gọi là gói kích cầu thứ hai) được chính thức được Chính phủ quyết định thực hiện trong phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, gồm 3 nội dung chính:
1. Tiếp tục hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vốn vay trung và dài hạn phục vụ sản xuất kinh doanh theo Quyết định 443 và 497 đến hết ngày 31/12/2010.. Mức hỗ trợ giảm từ 4% xuống còn 2%.
2. Kéo dài thời gian cho vay vốn lưu động ngắn hạn đến hết ngày 31/3/2010. Mức hỗ trợ cũng giảm còn 2%.
3. Chấm dứt chính sách hỗ trợ về thuế sau ngày 31/12/2009. Tuy nhiên, cho phép chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đến hết ngày 31/3/2010.
http://vnexpress.net