1. Sự vươn mình đáng nể phục của những “con rồng châu Á”
Mặc dù năm 2009 là năm đánh dấu sự suy giảm khốc liệt của nền kinh tế toàn cầu vì khủng hoảng kinh tế nhưng không vì thế mà đà tăng trưởng GDP của các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Á bị giảm sút.
4 con rồng châu Á tiêu biểu như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc và Singapore đã công bố tăng trưởng GDP trong quý II lên tới 10%.
Các tổ chức tài chính lớn của thế giới như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) đều phải thừa nhận rằng trọng tâm và cán cân kinh tế thế giới đang nghiêng dần về phía châu Á, trong đó, đặc biệt đáng chú ý là Trung Quốc.
2. Giá vàng thế giới tăng với tốc độ chóng mặt
Một trong những bất ngờ lớn nhất đối với các nhà đầu tư cũng như giới đầu cơ tích trữ là sự biến đổi dữ dội của giá vàng thế giới. Càng về thời điểm cuối năm, giá vàng lại tăng lên một cách chóng mặt với vận tốc không thể kiểm sóat nổi.
Một trong những nguyên nhân chính tác động đến giá vàng là sự suy giảm của đồng ngoại tệ mạnh USD trước sự khủng hoảng của nền kinh tế Mỹ.
Theo đúng quy luật, giá USD giảm, thế giới quay ra dự trữ vàng thay thế. Cùng với hiện tượng đầu cơ, giá vàng trên các sàn giao dịch thế giới tăng vọt, bất chấp những kìm hãm điều chỉnh từ cấp chính phủ.
Trái ngược với sự biến động của giá vàng, giá dầu thế giới năm 2009 không có nhiều biến động mạnh và thị trường chứng khóan thế giới thì đã giảm nhiều độ nóng so với các năm trước.
3. Chính sách “Thay đổi nước Mỹ” của Tổng thống Barack Obama
Ngay cả khi đang rơi vào khủng hoảng kinh tế với sự sụp đổ của hàng loạt tập đoàn tài chính kếch sù, người ta vẫn không thể phủ nhận vai trò cũng như ảnh hưởng của nước Mỹ đối với nền kinh tế toàn cầu.
Việc ông Obama, một người da màu nhập cư đắc cử vị trí Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ được cả thế giới quan tâm, theo dõi. Sau 9 tháng lên nắm quyền, Barack Obama đã được trao giải Nobel Hòa Bình. Đây là thành quả không phải là nhỏ để chứng minh những đường hướng mới mà Obama đang vạch ra cho nước Mỹ.
4. Công trình nghiên cứu “Giải mã bộ gien người”
Trên lĩnh vực khoa học, có thể nói, công trình nghiên cứu “Giải mã bộ gien người” của nhóm nhà khoa học do Joseph Ecker thuộc Viện Salk ở La Jolla, California, Mỹ đứng đầu là công trình khoa học đáng chú ý nhất trong năm, mang tính đột phá cho nền y học thế giới.
Tháng 10/2009, Joseph Ecker đã công bố tấm bản đồ chi tiết đầu tiên về biểu sinh người trên cơ sở nghiên cứu da người và phân tích tế bào gốc.
Bằng cách so sánh với biểu sinh của các tế bào mang bệnh, các nhà khoa học có thể tìm ra những “khiếm khuyết” trong hệ biểu sinh, có thể dẫn đến bệnh ung thư và các loại bệnh khác.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature, là bước ngoặt lớn đối với các nhà di truyền học, để có thể hiểu rõ hơn mối liên hệ “lạ lùng” giữa tự nhiên và nuôi dưỡng đã hình thành nên con người.
5. Sự ra đi của ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson
Một tài năng đã được cả thế giới tôn sùng thành huyền thoại với cái tên “Ông hoàng nhạc Pop Michael Jackson” đột ngột từ giã cõi đời.
Đây là thông tin gây chấn động nhất trong làng giải trí thế giới 2009.
Chiều 25/6, Michael đột quỵ tại nhà và bất tỉnh hoàn toàn khi các nhân viên cứu thương tới. Sau đó, siêu sao ca nhạc được đưa tới trung tâm y tế UCLA. Michael Jackson qua đời khi đang lên kế hoạch cho chuyến lưu diễn trở lại bắt đầu trong vài tuần tới ở Anh.
Chỉ vài giờ sau cái chết của Jackson, hàng loạt tờ báo, kênh truyền hình trên khắp thế giới đã đưa tin. Thông tin lan trên mạng internet với tốc độ chóng mặt. Cả thế giới, đặc biệt là những người hâm mộ âm nhạc như lặng đi trước sự ra đi vĩnh viễn của một ngôi sao đã từng lên tới đỉnh vinh quang tột cùng và cũng là người hứng chịu nhiều bi kịch, scandal, đau đớn tột bậc của thế kỷ. Hàng triệu người hâm mộ đã tổ chức hồi tưởng, cầu nguyện cho Jackson. Và đến hàng tuần sau, những chủ đề có liên quan đến Jackson luôn được nhiều người tìm đọc, quan tâm nhất.
6. Đại dịch cúm A H1N1 lan rộng trên toàn thế giới
Được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là đại dịch lan nhanh và diễn ra trên diện rộng nhất, chưa từng có trong lịch sử loài người, virus cúm A H1N1 thực sự gây chấn động cả thế giới và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hàng triệu người trong suốt hàng tháng trời.
Dịch cúm A/H1N1 (2009), hay còn gọi là "cúm lợn" là dịch cúm do một loại virút thuộc chủng H1N1 lần đầu tiên được các cơ quan y tế phát hiện vào tháng 3 năm 2009.
Sự bùng phát căn bệnh giống như bệnh cúm đã được phát hiện lần đầu ở 3 khu vực thuộc Mexico sau đó lan rộng ra hơn 130 nước và khu vực trên thế giới.
Hiện đã có vaccine phòng chống cúm A H1N1 nhưng không thể “nói cứng” rằng dịch bệnh đã chấm dứt bởi nó vẫn còn nhiều biến thể mà con người chưa “với tay” tới. Dịch cúm A/H1N1 một lần nữa cho thấy không chỉ có khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa khủng bố quốc tế mà dịch bệnh sẽ trở lại danh sách ưu tiên đối phó của nhân loại.
7. Hóa thạch tìm ra dấu kết nối giữa loài người và vượn cáo
Trên lĩnh vực khảo cổ học, phát hiện được các nhà khoa học đánh giá là quan trọng nhất và cũng là phát hiện được nhiều người quan tâm nhất do Tạp chí National Geographic tổng kết là hóa thạch 47 triệu năm tìm ra dấu kết nối giữa loài người và vượn cáo.
Tháng 5/2009, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch tổ tiên của con người có tuổi thọ 47 triệu năm.
Hóa thạch này được khai quật tại Messel Pit, Đức, và được đặt tên là Darwinius masillae, có tuổi thọ nhiều hơn gấp 20 lần so với hầu hết các hóa thạch chúng tỏ dấu tích tạo nên quá trình tiến hóa của con người.
Đây là hóa thạch của một loài chuyển tiếp, mang các đặc điểm từ những dòng tiến hóa phi nhân nguyên thủy (bộ bán hầu, đại diện là loài vượn cáo) nhưng lại liên quan nhiều hơn đối với dòng tiến hóa thuộc loài người (vượn người).
8. Sự tăng trưởng và phát triển của ngành CNTT
Trong thời đại mà nội dung số và mạng internet đang xâm lấn và chiếm lĩnh thị trường, các sản phẩm công nghệ cao đang ngày càng trở nên gần gũi với đời sống của con người.
Năm 2009, ảnh hưởng của "bão" kinh tế khiến cho mọi ngành nghề chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, các sản phẩm công nghệ cao vẫn phát triển, và chính nhờ các sản phẩm này mà nền kinh tế đã dần dần được hồi phục.
Theo khảo sát của một công ty nghiên cứu thị trường vào đầu tháng 12 này, CNTT sẽ là điều kiện quan trọng dẫn dắt người tiêu dùng ra khỏi suy thoái kinh tế. Dự báo vào năm 2010, tiêu dùng CNTT sẽ tăng trưởng lên thêm 3,2%, đạt mức khoảng 1,5 tỉ USD.
9. Tiến trình hòa bình Trung Đông đang ngày một khả quan
Với chính sách hòa bình và mềm mỏng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ngày 30/6, Iraq đã chính thức được trả lại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hiệp định an ninh giữa Mỹ và Iraq cũng được ký kết ấn định tiến trình rút quân của Mỹ hoàn toàn ra khỏi Iraq sẽ được kết thúc vào ngày 31/12/2011.
Hiệp định an ninh gồm 31 điều khoản, kêu gọi đến tháng 6/2009 lính Mỹ rút khỏi các thành phố của Iraq và rút toàn bộ khỏi quốc gia vùng Vịnh này vào cuối năm 2011.
Việc Mỹ và Iraq đạt được nhất trí về dự thảo hiệp định an ninh được coi là một bước tiến quan trọng giúp giải quyết mâu thuẫn giữa hai bên, thông qua việc tạo sự cân bằng giữa nỗ lực đảm bảo và tôn trọng chủ quyền của Iraq với công tác phối hợp đảm bảo an ninh ở quốc gia Trung Đông đầy bất ổn này.
10. Thế giới chung tay đối đầu với sự biến đổi khí hậu toàn cầu
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang là một vấn đề gây đau đầu các nhà lãnh đạo thế giới với hàng loạt hậu quả nghiêm trọng như nước biển dân cao, băng tan, Elnino, thiên tai, hạn hán, lũ lụt kéo dài.
Hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu tổ chức tại thủ đô Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7 -18/12/2009 được coi là cơ hội cuối cùng để các nước đạt được một thỏa thuận khung mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto.
Nghị định thư Kyoto là một cam kết được tiến hành dựa trên các nguyên tắc của Chương trình khung của Liên Hiệp Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu . Trong đó những quốc gia tham gia kí kết phải chấp nhận việc cắt giảm khí CO2 và năm loại khí gây hiệu ứng nhà kính khác, hoặc có thể tiến hành biện pháp thay thế nếu không muốn đáp ứng yêu cầu đó.
Nỗ lực lớn nhất mà các nhà chính trị tham gia hội nghị là tuyên bố không kết thúc hội nghị bằng những cam kết giảm khí thải ngắn hạn. Để xây dựng một thỏa thuận khung mới thay thế cho Nghị định thư Kyoto hết hạn cuối năm 2009, các nước cần thảo luận về một “tiêu chuẩn công bằng” đối với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính phải cắt giảm.



24h.com.vn