Mình đọc bài viết này thấy rất lo ngại, nên đưa lên để mọi người cùng thảo luận:
Khai thác mỏ than 210 tỷ tấn dưới lòng Đồng bằng sông Hồng: Cần sự đồng thuận (05/10/2009) Năm 1986 sau khi tập hợp các báo cáo từ khoan thăm dò dầu khí, kết hợp với điều tra, khảo sát, Viện Địa chất & Khoáng sản (Tổng cục Địa chất) đã hoàn thành báo cáo về “Tổng kết địa chất và độ chứa than miền võng Hà Nội”. Theo đó, than ở khu vực Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) nằm trên diện tích khoảng 3500km2, trải từ Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Nam Định - Thái Bình... và kéo dài ra thềm lục địa, với tổng trữ lượng dự báo là 210 tỷ tấn.
Lo lắng nhất vẫn là những sự cố về sụt lún, ô nhiễm
môi trường, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp...
Ảnh: Hoàng Long
Chưa từng có dự án khảo sát về trữ lượng than ở ĐBSH
Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà báo cáo về trữ lượng này đã bị quên lãng hơn chục năm. Đến năm 1998, Tổng công ty Than &Khoáng sản Việt Nam(TKV) mới phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản (NEDO) thực hiện Dự án thăm dò khảo sát than ở ĐBSH Việt Nam, thời gian từ năm 1998 đến 2002. Dự án thực hiện chủ yếu ở địa bàn tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, trên diện tích 962km2 với 19 lỗ khoan và khoảng 50 lỗ khoan của Việt Nam do Tập đoàn dầu khí đã thực hiện trước đó trong quá trình thăm dò dầu khí. Trong diện tích 962km2, thì trữ lượng than dự báo khoảng 30 tỷ tấn( khảo sát đến độ sâu -1700m). Có một thực tế là sau khi tiến hành khảo sát, thăm dò một phần bể than ĐBSH thì công ty của Nhật với khả năng kinh tế, thiết bị và công nghệ khai thác tiên tiến cũng đã rút lui vì việc xử lý vấn đề nước ở khu vực này là quá khó khăn.Vậy mà mới đây Tập đoàn TKV lại đề nghị được “bỏ qua giai đoạn tìm kiếm, đánh giá, thực hiện ngay công tác thăm dò tỷ mỉ có giới hạn và chia thành nhiều giai đoạn mở rộng” để tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhiều nhà khoa học cho rằng thật phi lý khi TKV muốn bỏ qua giai đoạn thăm dò, thử nghiệm và chưa lên kế hoạch đánh giá tác động môi trường.


Được biết kinh phí cho kế hoạch thăm dò, khai thác dự tính gần 7000 tỉ đồng và tổng mức đầu tư cho các dự án lên tới 76 nghìn 360 tỷ đồng. Một nguồn kinh phí khổng lồ, do đó, TKV đã và đang phải tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài. Theo nhiều chuyên gia kinh tế nếu gọi đầu tư nước ngoài, chia sẻ quyền lợi thì lợi nhuận từ khai thác được sẽ giảm đáng kể.


Sự thật là Việt Nam chưa từng có một dự án khảo sát chuyên về trữ lượng than ở ĐBSH. Trữ lượng dự báo 210 tỷ tấn của Viện Địa chất & Khoáng sản tình cờ có được trong quá trình thăm dò dầu khí cùng với Đoàn địa chất 36( thuộc Tập đoàn dầu khí việt Nam). Vì thế chưa phải là con số đáng tin cậy. Song song với dự án thăm dò, khai thác than ở ĐBSH hiện Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên &Môi trường) đang lên kế hoạch xây dựng Dự án đánh giá tổng thể tài nguyên than ở bể than ĐBSH để trình Chính phủ (dự kiến bắt đầu vào năm 2010). Dự án gồm các công tác trắc địa, lấy mẫu phân tích, đo trọng lực, đo từ, đo địa chấn và khoan các lỗ khoan thăm dò khoảng 2000 mét phối hợp với công tác ứng dụng tin học....Đây là một dự án rất lớn và trữ lượng than chính xác có lẽ phải chờ kết quả từ dự án chính thống này.


Khai thác than ở ĐBSH tiềm năng rất lớn nhưng rủi ro khá cao
Ảnh: Hoàng Long
Cẩn trọng trước các tai biến địa chất
Theo Ban phản biện của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gồm các chuyên gia về môi trường, địa chất, thủy văn) thì “ Đề án phát triển bể than ĐBSH còn nhiều chỗ sơ sài, trùng lặp, thiếu cơ sở, chưa đạt yêu cầu của đề án theo các quy định hiện hành”. Tiến sĩ Trần Tân Văn (Viện khoa học địa chất và Khoáng sản) cảnh báo đất đá trong tầng Neogen rất mềm bở, nếu khai thác ở độ sâu - 300 mét, nước sẽ chảy vào mỏ với tốc độ lên tới trên 20.000 m3 /giờ. Khi đó nước sẽ ngập lò buộc phải hút nước ra. Nhưng không như hút nước cứu lụt mà nước sẽ được chuyển ra xa theo đường ống dẫn khi đó đất sẽ khô hạn, biến đổi và không thể trồng cấy. Đấy là chưa kể nước nhiễm mặn hút ra sẽ đổ vào khu vực nào? Nơi nào sẽ phải gánh lượng nước nhiễm mặn khổng lồ này? Rồi nguy cơ sụt lún sẽ khó tránh khỏi...


Theo ghi nhận của phóng viên, giới khoa học tỏ ra đặc biệt lo ngại vấn đề môi trường nước, môi trường sống, an ninh lương thực cũng như hiệu quả kinh tế của dự án này. PGS. TS Nguyễn Đình Hòe - Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam nhận định khu vực ĐBSH có cấu tạo địa chất không ổn định, vì thế việc tổ chức thăm dò, khai thác vùng than nhiều tiềm năng này đòi hỏi cần phải được nghiên cứu, triển khai một cách khoa học. Nếu không cẩn thận, chi tiết sẽ có thể đưa đến những hậu quả to lớn. Theo Ban phản biện của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật “Than nằm dưới vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc, có truyền thống văn hoá vì vậy dự án phát triển bể than ĐBSH phải gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái”. Dư luận mong mỏi đề án khai thác, thăm dò thử nghiệm than nếu được duyệt triển khai cần cẩn trọng chọn giải pháp kỹ thuật, công nghệ để tránh xảy ra sụt lún bề mặt làm ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, an toàn cho các công trình thủy lợi, giao thông, không ảnh hưởng đến nguồn nước mặt, nước ngầm, sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái... Bên cạnh lợi ích kinh tế cần có sự đồng thuận của xã hội bởi như nhiều nhà khoa học nhận định: khai thác than ở ĐBSH tiềm năng rất lớn nhưng rủi ro là khá cao.

Tâm Như
Có rất nhiều người ủng hộ dự án này đã hùng hồn tuyên bố sẽ xây dựng một hệ thống chống đỡ cho Hà Nội. Mình không hiểu về vấn đề này nhưng đọc đến đây chợt thấy hoang mang: một Hà Nội với dân số xấp xỉ 6,5 triệu người lại "nhẹ" đến thể sao?