Hội nghị Bộ trưởng G20 đạt được thỏa thuận cải cách ngành ngân hàng toàn cầu

Phát biểu tại phiên họp của G20, một đại biểu cấp cao của đoàn Hàn Quốc cho biết hôm thứ 7, các Bộ trưởng Tài chính của khối G20 đã đạt được thỏa thuận về các luật lệ cứng rắn và khắt khe hơn đối với các ngân hàng và định chế tài chính lớn lâu nay vẫn bị “đổ lỗi” là nguyên nhân gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Phát biểu với phóng viên AFP bên lề các cuộc họp cấp bộ trưởng của G20 kết thúc cuối ngày, vị đại biểu cấp cao của nước chủ nhà cho biết: “Trong phiên họp thứ 4 vừa mới kết thúc, các lãnh đạo 20 đã thống nhất về việc cải cách công tác điều hành và quản lý tài chính. Gần như không có bất đồng nào đáng kể về vấn đề này. Tiến trình này chỉ đơn giản là phê duyệt mà thôi.”
Trong phiên họp lần này, các Bộ trưởng của khối G20 cũng thảo luận các đề xuất tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lớn nhằm ngăn chặn khủng hoảng trong tương lai. Trước đó các đề xuất này đã được công bố hồi tháng 9 bởi Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.

Các luật lệ Basel III mới được thông qua này sẽ bắt các ngân hàng tăng mức dự trữ vốn an toàn lên 7% thay vì 2% như trước đây. Tuy nhiên tin mừng là các luật lệ này sẽ được thực hiện một cách từ từ dàn đều trong vòng vài năm bắt đầu từ 2013.

Các nền kinh tế châu Âu tỏ vẻ nghi ngờ và đòi hỏi Hoa Kỳ phải có trách nhiệm trong việc thực hiện các luật lệ Basel III đúng hạn.

Các Chính phủ châu Âu cho rằng chính thất bại tủi hổ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện các tiêu chuẩn an toàn trước đó (hay còn gọi là Basel II) là một trong nhiều nguyên nhân gây ra khủng hoảng.

Trong khi đó các cường quốc công nghiệp G20 cũng đồng ý tránh gây ra tình trạng “phá giá đồng tiền nhằm cạnh tranh với nhau” đồng thời phải tìm cách hạn chế tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại ở mức quá cao nhằm làm dịu các căng thẳng nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố chung được công bố sau 2 ngày làm việc, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương tại khối G20 đã đạt được thỏa thuận “không tiến hành phá giá đồng nội tệ nhằm mục đích nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa” và “hướng đến chế độ tỷ giá hối đoái do thị trường quyết định.”

Khối G20 cũng cam kết “theo đuổi và thực hiện các chính sách thuận lợi hơn cho việc giảm bớt các mất cân bằng nghiêm trọng hiện nay và duy trì các mất cân bằng tài khoản vãng lai ở mức vững chắc.”

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của khối G20 – những người vốn đang chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh toàn khối cũng tại Seoul vào tháng 11 tới – cũng tranh luận quyết liệt về kế hoạch tăng cường công tác giám sát các ngân hàng và định chế tài chính lớn của Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB).

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) – được thành lập hồi năm ngoái dưới sự thống nhất của khối G20 – đã họp hôm thứ 4 và lên tiếng ủng hộ các kế hoạch tăng cường hơn nữa tính hiệu quả của công tác giám sát tài chính.

Các đề nghị thực hiện công tác báo cáo giao dịch và hoạt động thanh toán bù trừ các loại chứng khoán phái sinh trên thị trường OTC cũng được thông qua. Đây là một động thái nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh khổng lồ này.

FSB cũng bày tỏ sự ủng hộ của mình với các luật lệ nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào các hãng xếp hạng tín nhiệm – vốn bị chỉ trích là quá thân thiết với các công ty mà mình xếp hạng và không thể cảnh báo sớm các khó khăn nảy sinh.


http://www.channelnewsasia.com/stories/afp_world_business/view/1088912/1/.html