Việc Mỹ quyết định áp dụng biện pháp nới lỏng định lượng lần 2 (QE2) đã phủ bóng đen lên Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Seoul, dẫn đến nghi vấn gia tăng về tính định cũng như vai trò đồng tiền dự trữ thế giới của đồng USD.

Giới quan sát cho rằng ngay cả khi Mỹ có quyền đưa ra các quyết sách đối nội để thúc đẩy tăng trưởng, cường quốc kinh tế số một này cũng cần cân nhắc tác hại của chúng đối với các nền kinh tế khác. Các nhà phân tích cảnh báo QE2 sẽ khiến đồng USD tiếp tục suy yếu, đẩy giá dầu mỏ và các hàng hóa khác leo thang và lạm phát ngày càng trầm trọng hơn.
Chuyên gia kinh tế Zhuang Jian của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định trong khi giải quyết các vấn đề trong nước, Mỹ đã “gây khó” cho nhiều nền kinh tế khác. Những “phiền toái” từ chính sách của Mỹ mà các quốc gia khác đang phải đối mặt gồm: giá trị các tài sản của họ (vốn được định giá bằng đồng USD) sụt giảm, nguy cơ rủi ro đối với các luồng tiền đầu cơ đổ vào Trung Quốc hay Brazil gia tăng, ngay cả khi các nước này tăng cường kiểm soát. Tóm lại, ông Zhunang cho rằng, QE2 chắc chắn sẽ gây tổn hại tới vị thế và vai trò của đồng USD, trên cương bị một đồng tiền dự trữ quốc tế.
Phó Giám dốc Trung tâm nghiên cứu tiền tệ quốc tế (có trụ sở tại Bắc Kinh) Xiang Songzue cũng chia sẻ quan điểm trên và cho rằng chính sách tiền tệ nới lỏng của Mỹ sẽ làm giảm độ “tín nhiệm” của đồng USD trên cương vị đồng tiền quan trọng nhất thế giới. Ông Xiang nhận định trong khi Mỹ cáo buộc các nước khác cố ý hạ giá đồng nội tệ vì mục đích cạnh tranh, thì Mỹ lại đang thao túng đồng USD. Ông Xiang cho rằng bản chất thực sự của QE2 là chuyển những khó khăn của kinh tế Mỹ sang các nền kinh tế khác trên thế giới và “lúc này không phải là thời điểm thích hợp để Mỹ triển khai QE2″.
Tỷ lệ lạm phát ở các nền kinh tế đang nổi vẫn ở mức cao (12% ở Ấn Độ và 7% ở Brazil), trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sức ép lạm phát lớn. Trong tháng 10/2010, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2009, mức tăng mạnh nhất trong vòng 25 tháng qua.
Giới chuyên gia dự đoán sẽ xuất hiện thêm nhiều tranh chấp thương mại và tiền tệ trên quy mô toàn cầu, trong bối cảnh chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ chỉ làm cho khả năng bình phục của kinh tế thế giới càng thêm bấp bênh.
Hương Giang
Theo Tân Hoa Xã