Ban Chấp hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) quyết định kể từ ngày 1/1/2011 sức nặng của bốn đồng tiền trong SDR( Quyền rút vốn đặc biệt) như sau: đồng USD: 41,9% (giảm so với mức 44% của đợt xem xét năm 2005), đồng euro: 37,4% (tăng so với mức 34% của năm 2005), đồng bảng: 11,3% (tăng so với 11% của năm 2005) và đồng yen: 9,4% (giảm so với 11% của năm 2005).

SDR là đơn vị tính toán tiền tệ và cũng là đồng tiền của IMF. Sức nặng của mỗi đồng tiền trong SDR được IMF quyết định dựa trên giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước hoặc liên minh tiền tệ phát hành đồng tiền đó, đồng thời dựa trên số lượng ngoại tệ mà các nước thành viên IMF dự trữ bằng đồng tiền này.

Sự thay đổi sức nặng của mỗi đồng tiền hợp thành SDR này là để đảm bảo tổng giá trị hối đoái của các đồng tiền trên so với đồng USD luôn duy trì giá trị 1 SDR tương đương 1,54003 USD.

Tỷ giá hối đoái mới của đồng SDR sẽ được IMF công bố ngày 7/1 tới và có giá trị từ ngày 10/1/201.

SDR đóng vai trò là một bộ phận trong dự trữ quốc tế của các nước thành viên. SDR được IMF đặt ra năm 1969 theo đề nghị của 10 nước trong Câu lạc bộ Paris gồm Bỉ, Canada, Pháp, Italy, Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Đức.

Đồng tiền này ra đời với mục đích là giảm thiểu những hạn chế trong việc sử dụng đồng USD và vàng, vốn được là những công cụ thanh toán quốc tế duy nhất. SDR ra đời đã bổ sung vào quỹ dự trữ tiền tệ thế giới, làm cho hoạt động thanh toán quốc tế được thông suốt hơn, đồng thời khiến cho thị trường hối đoái ổn định hơn.

Có thể coi SDR như là một đồng tiền "danh nghĩa" vì nó không có hình dạng vật chất cụ thể, được IMF tạo ra và tồn tại dưới dạng các khoản mục kế toán đặc biệt do quỹ quản lý. SDR được định nghĩa như là một rổ tiền tệ thế giới và được định giá bằng số bình quân gia quyền của các đồng tiền mạnh như USD, Bảng Anh, Euro và Yên Nhật. IMF tiến hành phân bổ đồng SDR cho các nước thành viên đồng thời cũng được chính phủ các nước thành viên hỗ trợ. Giá quy đổi theo USD của SDR được niêm yết hàng ngày trên website của IMF. Giá này được xác định dựa vào số lượng giao dịch của 4 đồng tiền trên quy đổi ra USD dựa theo tỷ giá hối đoái niêm yết vào buổi trưa mỗi ngày trên thị trường tiền tệ London.

Khi được khai sinh, SDR là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. SDR có thể được sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa các nước thành viên IMF với quỹ này cũng như trong thanh toán cán cân thương mại giữa các quốc gia. Khi giải ngân, có thể quy đổi ra một loại tiền tệ mạnh nào đó như đôla Mỹ, Euro, Yên Nhật... tùy tình huống. Tuy nhiên nó chỉ là đơn vị quy ước, chỉ được sử dụng để tính toán chứ không thực sự tồn tại trong lưu thông, do vậy người ta không thể tiêu nó như các loại tiền tệ khác.

Trong xu hướng hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã không quá phụ thuộc vào đồng USD trong cơ cấu rổ đồng tiền dự trữ của mình, cơ cấu dự trữ ngoại hối của các nước đã có sự đa dạng hoá với sự góp mặt của một số ngoại tệ khác. Theo số liệu thống kê của IMF, dự trữ bằng đồng USD của các nước trên thế giới có xu hướng giảm dần từ mức 69% vào năm 2002 xuống còn khoảng 63% vào năm 2008 và tăng dần tỷ trọng các đồng tiền khác.

Đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu trong tương lai, người ta đưa ra khuyến nghị về cơ cấu 3 trụ cột gồm USD, Euro và Nhân dân tệ. Ba đồng tiền này tạo ra những sự lựa chọn cho các công ty và các quốc gia khi chọn đồng tiền trong hoạt động thanh toán. Bất cứ đồng tiền nào có xu hướng giảm giá, thì các quốc gia sẽ từ bỏ đồng tiền đó. Bất cứ đồng tiền nào thể hiện xu thế tăng giá, thì các quốc gia lại mua vào đồng tiền đó. Với 3 đồng tiền cạnh tranh với nhau và hỗ trợ cho nhau sẽ tạo ra một hệ thống tài chính quốc tế ổn định ở mức tương đối. Nhưng để quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ hãy còn là một chặng đường dài ở phía trước. Đồng nhân dân tệ sẽ không thể trở thành một đồng tiền quốc tế trước khi hình thành một thị trường vốn hoàn thiện và trở thành một đồng tiền chuyển đổi tự do.

Đứng trước một thị trường tài chính toàn cầu không ổn định, các quốc gia và các công ty đang tìm cách bảo vệ giá trị đồng tiền. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đề ra một công cụ để bảo toàn giá trị dự trữ bằng cách gắn liền SDR với một rổ tiền. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung quốc đã đưa ra đề nghị thay thế đồng tiền quốc gia bằng SDR để làm đồng tiền dự trữ quốc tế đã thu hút được sự quan tâm của các nhà lãnh đạo IMF và có thể được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp thường niên năm nay.

Đưa đồng SDR vào lưu thông không chỉ cung cấp thêm nguồn lực tài chính cho IMF mà còn giúp tổ chức này giải quyết được vấn đề mất cân đối trong tiếng nói và quyền đại diện của các quốc gia đang phát triển trong IMF, nơi mà Hoa Kỳ đang giữ quyền phủ quyết đối với các quyết định lớn và quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung quốc cũng trình bày một số bước việc mở rộng sử dụng đồng SDR đáp ứng được đầy đủ nhu cầu dự trữ ngoại tệ của các nước thành viên:

- Thiết lập một hệ thống thanh toán giữa đồng SDR và các đồng tiền khác để đồng SDR có thể được chấp nhận rộng rãi trong thương mại toàn cầu và các giao dịch tài chính. Hiện tại, đồng SDR mới chỉ được coi là một đồng tiền danh nghĩa của các chính phủ và các thể chế quốc tế.

- Thúc đẩy mạnh mẽ việc sử dụng đồng SDR trong thương mại, giá cả hàng hóa, đầu tư và kế toán doanh nghiệp.

- Thiết lập bộ tiêu chí để quy đổi các tài sản có giá sang đồng SDR để tăng sức hấp dẫn của đồng tiền này. IMF có thể nghiên cứu để đưa ra các chứng khoán quy đổi dựa trên đồng SDR như là một bước khởi đầu tốt cho kế hoạch mở rộng việc sử dụng đồng tiền này.

- Nâng cao hơn nữa việc định giá và lưu thông của đồng SDR. Cần đưa thêm nhiều đồng tiền của các nền kinh tế lớn vào rổ tính giá trị của đồng SDR.

Giới phân tích cho rằng việc đề nghị thay thế đồng USD bằng một loại ngoại tệ dự trữ khác đã phản ánh phần nào lo ngại của cộng đồng quốc tế trước nguy cơ đồng USD sụp đổ trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng kinh tế. Trong đó, có quan ngại về khả năng thanh toán của Mỹ. Và khi các cỗ máy in tiền của Mỹ phải hoạt động hết công suất thì nguy cơ siêu lạm phát là hoàn toàn có thể xảy ra. Thế giới muốn tìm đồng ngoại tệ dự trữ khác để thay thế, nhằm phá vỡ sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính quốc tế

Phía các nước ủng hộ cải cách hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế tại Hội nghị cấp cao G20 vừa rồi cho rằng, hệ thống hiện nay không thích hợp và chứa đựng nhiều nguy cơ. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn đầu, các nước phát hành đồng tiền dự trữ nhất thiết phải đưa ra một chính sách kinh tế vĩ mô có trách nhiệm hơn, tránh những hành động có thể gây hậu quả cho các đối tác

Theo: tamnhin.net