Một bóng ma đang ám ảnh châu Âu: bóng ma nợ công và đồng euro trượt giá. Trong vòng xoáy của cơn khủng hoảng, tương lai đồng euro, đồng tiền từng được xem là đối thủ trực tiếp thách thức bá quyền USD, đang đặt dưới một dấu chấm hỏi lớn.$-)

Sập bẫy đôla hay sập bẫy của chính mình?

Các chính khách châu Âu thường giải thích rằng đồng euro là một dự án chính trị, nó gắn liền với sự thống nhất và nền hoà bình vĩnh cửu cho lục địa già. Sự thật kinh tế ít hoa mỹ hơn: sự ra đời của euro là một phản ứng với trật tự tiền tệ – tài chính sau thế chiến 2 và chính sách bá quyền của đôla Mỹ. Từ những thập niên 60, thâm hụt ngân sách vì chiến tranh Việt Nam, các chính phủ Washington thường xuyên phải sử dụng tỷ giá đôla làm đòn bẩy ngân sách. Nhờ vị trí đặc biệt của Mỹ kim trong trật tự kinh tế thế giới, thay vì phải thay đổi chính sách hay cải cách cấu trúc (kèm theo những phí tổn phát sinh) để tái cân bằng ngân sách, Mỹ đẩy gánh nặng này “san sẻ” cùng các đồng minh. Sự biến động tỷ giá đôla làm các chính phủ Tây Âu lâm vào thế khó, phải miễn cưỡng sống chung với lũ: theo đuôi chính sách Mỹ kim và nhập khẩu luôn lạm phát từ nước này. “USD là tiền tệ của chúng ta, nhưng là vấn đề của bạn”, phát biểu cựu bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally được xem như biểu tượng cho mối quan hệ tiền tệ – tài chính “ngoài nóng, trong lạnh” của hai bờ Đại Tây Dương.

Euro và khu vực tiền tệ chung châu Âu được hình thành nhằm giúp các nước thành viên trung lập hoá ảnh hưởng biến động tỷ giá. Tuy vậy, khu vực euro tự tạo ra cho mình một cái bẫy khác. Ngày hôm nay, khi nói về khủng hoảng, những Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland là vấn đề. Đa số các nước này đều có tình trạng thâm hụt ngân sách cao, tỷ lệ thất nghiệp báo động, khả năng cạnh tranh kém. Nhưng lỗ hổng trong nền kinh tế khu vực lớn hơn như thế. Đó là hoài nghi về hiệu năng của việc sử dụng một đồng tiền chung, mà không có một chính sách hay cơ chế quản trị kinh tế thống nhất. Việc thiếu vắng một chính phủ kinh tế trung ương được diễn đạt như “lỗi cấu trúc” của toàn bộ vấn đề. Không đồng nhất về chính sách tài khoá, ngân sách hay thuế, mỗi chính phủ có thể lựa chọn giải pháp riêng, mà không lường đến kết quả cuối cùng phản ánh lên sức khoẻ đồng tiền. Ngược lại, một thống nhất chung về tiền tệ cũng hạn chế lựa chọn mỗi quốc gia trong quá trình quyết sách. Như Hy Lạp năm 2009, nếu euro không tồn tại, nước này có thể phá giá nội tệ thúc đẩy xuất khẩu, cân bằng cán cân thanh toán. Giải pháp của Hy Lạp chỉ còn là một: tiết kiệm, tiết kiệm và tiết kiệm.

Những kịch bản của tương lai

Cuộc khủng hoảng khu vực euro 2009 làm sống lại cuộc tranh luận về đồng euro và dẫn tới nhiều kết luận. Những người nghi ngờ euro có dịp khẳng định lại quan điểm: khu vực euro không phải là một khu vực tiền tệ tối ưu và yêu cầu một sự phân chia ranh giới. Phiên bản cứng của đề nghị này kêu gọi các nước đang bị vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách rời khỏi liên minh tiền tệ, để tự giải quyết vấn đề ngân sách. Hoặc nếu điều đó không xảy ra, nước Đức, một trong chính phủ “đứng mũi chịu sào” các gói giải cứu, cần suy nghĩ đến việc quay về đồng D-Mark, rời bỏ khu vực đồng tiền chung. Đề nghị này bị xem là khó khả thi, vì khả năng loại trừ một nước nào đó ra khỏi liên minh chưa có tiền lệ trong lịch sử, và cũng rất nhạy cảm với kế hoạch thống nhất. EU ra đời không phải để trừ, mà cộng. Tiêu chí của nó là kết hợp những quốc gia dựa vào tự nguyện và đồng thuận trên sự khác biệt. Phiên bản mềm hoà dịu hơn, bày tỏ lo lắng về sự khác biệt quá lớn giữa các nền kinh tế, và yêu cầu một thống nhất với hai vùng riêng biệt. Hai khu vực tiền tệ nên được hình thành tương ứng trên sức mạnh thực của các nền kinh tế. Đồng tiền Tây Âu với Đức, Pháp làm tâm điểm và đồng tiền Nam Âu với các nước có nền kinh tế yếu hơn và đang chịu thâm hụt về ngân sách. Mặc dù nhận được một số tán đồng ban đầu, giải pháp phân chia vùng không thoát khỏi cái bóng của nguy cơ phá giá hay bị nâng giá đồng tiền giữa hai khối dẫn đến khả năng mâu thuẫn thương mại như đã xảy ra trong quá khứ giữa D-Mark, Peseta hay đồng Lira.

Một tiếp cận khác nhìn vấn đề từ lỗi cấu trúc. Một chính sách chung về kinh tế cho châu Âu cần được “đặt lên bàn nghị sự”. Có người nói cần một chính phủ kinh tế liên Âu. Có người phản bác, chính phủ to tác quá, một cơ chế quản trị chung (governance) sẽ gần với thực tế. Nhưng dù cho chính phủ hay cơ chế chung, đề nghị này hướng tới một bước hội nhập sâu rộng, gắn chặt hơn các nước lại với nhau, một giải pháp mà trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng hiện nay tạo ra nghi ngờ nhiều hơn đồng thuận. Trên hết việc này đòi hỏi các nước thành viên tiếp tục giao nộp thêm nhiều quyền trong địa hạt quản lý kinh tế, đồng nghĩa với việc khuôn khổ chính sách của từng quốc gia phải “EU hoá” hơn theo một chuẩn chung. Ngoài ra, nó đặt lại vấn đề “trách nhiệm và quyền hạn” các thiết chế quản trị. Chính phủ quốc gia do người dân mỗi nước bầu lên, nhưng quyền lợi của họ lại được đại diện qua ở một cơ chế chỉ định có những địa điểm khác nhau trên khắp bản đồ châu lục. Tìm được tính chính đáng từ uỷ nhiệm của cử tri cho một “siêu chính phủ” là câu hỏi không dễ trả lời.

Các tranh luận về đồng euro sẽ còn tiếp diễn. Thu hẹp khoảng cách này không dễ, nhưng phải làm, dù đồng euro có chọn con đường tương lai nào đi nữa.

Theo: Sài Gòn tiếp thị